Câu chuyện về đôi cầu thang trước nhà Dài Êđê

Cập nhật lúc: 23:06 16/02/2019

Câu chuyện về đôi cầu thang trước nhà Dài Êđê
Khi đứng trước ngôi nhà sàn của người đồng bào Ê Đê, du khách nào cũng rất ấn tượng và thích thú với đôi cầu thang trước nhà, đặc biệt là chiếc cầu thang có biểu tượng bầu ngực. Đây chính là nét văn hóa rất thú vị và đặc trưng của người đồng bào Ê đê ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, do văn hóa của người Ê đê là văn hóa truyền miệng, mỗi dòng họ lại có các quy ước riêng, mỗi nhóm người Ê đê ở các vùng khác nhau lại có quy ước khác nhau nên chúng ta không thể khẳng định chắc chắn như thế nào mới là ý nghĩa chính xác. Ở đây, mình chỉ xin nói về cặp cầu thang ở nhà Dài Ê đê ở Bản Đôn. 
Nhìn trực diện vào ngôi nhà Ê đê sẽ có hai cầu thang đặt song song phía trước, chiếc bên trái là cầu thang đực, mũi cong như mạn thuyền, số bậc lẻ, kích thước cũng khiêm tốn hơn một chút. Cầu thang đực là dành cho các thành viên nam, trẻ nhỏ trong gia đình đi lên đi xuống. Nếu là khách đến chơi nhà, khách cố tình lên xuống bằng cầu thang đực, chủ nhà sẽ cho rằng khách không tôn trọng chủ nhà. Nếu nhà có mất mât xui xẻo gì, khách sẽ bị yêu cầu cúng phạt vạ. Lễ vật cúng phải có gà, có cơm, thuốc lá, rượu cần. 
Chiếc cầu thang bên phải có biểu tượng bầu ngực đẽo gọt tinh tế hay còn được gọi là cầu thang cái, mũi cũng cong lên như mạn thuyền, số bậc cũng lẻ, kích thước có phần nhích hơn cầu thang đực. Phía trên bầu ngực, đôi khi ta sẽ gặp hình ảnh mặt trăng và ngôi sao, người ta cho rằng mặt trăng tượng trưng cho người mẹ và ngôi sao là con cái.
Đôi cầu thang là biểu trưng đậm nét của chế độ Mẫu hệ trong kiến trúc nhà của người đồng bào Ê Đê, khẳng định đời sống văn hóa tinh thần phong phú, dân tộc giàu mạnh và khí chất con người phóng khoáng, hào sảng.

Thanh Thảo