Cộng đồng người đồng bào M'Nông ở Đắk Lắk

Cập nhật lúc: 15:44 24/11/2022

M’Nông là dân tộc thiểu số ở Việt Nam với dân số khoảng 103 nghìn người, sống phân bố tại nhiều tỉnh ở vùng đất Tây Nguyên thuộc cao nguyên miền Trung Việt Nam như: Ðắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước, Quảng Nam, Lâm Ðồng. Trong cộng đồng dân tộc M’ Nông lại chia thành nhiều tộc người theo nhóm cư trú tại các địa phương.Tuy nhiên người người M’Nông sống tập trung đông nhất vẫn là ở các huyện thuộc tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông. Bà Lương Thanh Sơn, Giám đốc Bảo tàng dân tộc dân tộc tỉnh Đắc Lắc, cho biết:  “ Người M’Nông ở Đắc Lắc cư trú nhiều ở Buôn Đôn, huyện Lắc, Krông Bông và trong 3 huyện đó ở Buôn Đôn có người M’Nông Bu Đâng, ở huyện Krông Bông có người M’Nông Kuênh,  huyện Lắc có người M’Nông Prâng, M’Nông Gar, còn các nhóm M’Nông khác như người M’Nông Preh cư trú ở huyện Đắc Mil hay M’Nông Nor, M’Nông Prâng ở một số huyện xã của tỉnh Đắc Nông”

Trong cộng đồng xã hội, người M’Nông sống tập trung theo các Bon ( còn gọi là Buôn). Mỗi Bon gồm nhiều hộ gia đình có quan hệ láng giềng, quan hệ huyết thống gần gũi, trong đó dấu vết  của chế độ mẫu hệ vẫn in đậm trong  trong mọi quan hệ ở Bon làng. Mỗi Bon của người M’Nông gồm vài chục nóc nhà và tuỳ theo từng vùng, nhóm tộc người mà người M’Nông xây cất nhà trệt hoặc nhà sàn. Nhà trệt hình khum có mái tranh gần sát đất và nền đất là mặt bằng sinh hoạt, rất phổ biến ở nhóm Mnông Gar, Mnông Preh, Mnông Prâng... Còn nhà sàn thường là sàn thấp, phổ biến ở nhóm M’nông Kuênh, M’nông Chil, M’nông Bhiêt... Riêng nhóm M’nông Rlâm ở vùng hồ Lắc lại xây cất nhà sàn cao theo kiến trúc của người Ê đê. Nhưng dù là nhà sàn hay nhà trệt thì mái vẫn  lợp bằng cỏ tranh, khung và sườn nhà được kết hợp 2 loại nguyên liệu là tre nứa và gỗ cây. Người M’nông thường làm nhà, sinh sống những nơi có địa hình bằng phẳng, xen kẽ giữa các thung lũng và sống gần sông, suối, hồ, đầm…

Người M’Nông sống gần gũi với thiên nhiên, nên từ xa xưa đã hình thành mối quan hệ tinh thần với rừng. Người M’Nông thường nói: “ Rừng là mái nhà che chở, bao bọc cho người M’Nông, rừng cũng là nơi ở của các vị thần linh mà người M’Nông có thể khẩn cầu sự giúp đỡ mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống”. Đặc biệt từ xa xưa, người M’Nông đã có nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, đồng bào huấn luyện voi rừng trở thành voi nhà để làm phương tiện vận chuyển, phục vụ sản xuất. Đa số người M’nông trồng lúa nương trên rẫy bằng phương pháp "đao canh hoả chủng"( phát, đốt rồi chọc lỗ tra hạt). Nhưng cũng có tộc người M’Nông sống ven các vùng sông, hồ vùng đầm lầy lại sinh sống chủ yếu bằng nghề trống lúa nước. Ông Ama Phong, người dân tộc M’Nông Rlâm ở huyện Lắc,tỉnh Đắc Lắc, cho biết: “Đồng bào M’Nông ở đây sống bằng nghề trồng lúa nước. Người M’Nông ở đây là M’nông Rlâm, M’Nông Gar, M’Nông Chil, M’nông Preh... có văn hoá lúa nước. Người M’Nông Rlâm xưa không làm rẫy, mà sống ven hồ, làm lúa nước rồi bắt cá, săn thú..Còn về phong tục tập quán của người M’Nông ở đây gần giống người Ê đê, làm nhà là nhà sàn, việc cúng bái, đánh cồng chiêng cũng khá giống người Ê đê, chỉ khi nói, có tiếng nói khác người Ê đê thôi” 

 

Theo phong tục của đồng bào M’nông Gar, cứ sau một mùa rẫy là các bon làng tổ chức các nghi lễ, lễ hội vòng đời người, nhằm tạ ơn các vị thần linh trong trời đất, tạ ơn tổ tiên ông bà đã phù hộ cho mọi người lúa thóc đầy bồ, heo bò đầy sân, chật bãi. Lễ hội đâm trâu là lễ hội cổ truyền được coi trọng nhất. Trâu được hiến sinh trong hội lễ tưng bừng để chuẩn bị cho một mùa vụ mới tràn đầy hy vọng.

 

Trong các nghi lễ của người M’Nông thì lễ cưới truyền thống cũng được coi trọng. Ở người M’nông Gar, phong tục gái hỏi chồng (theo nghi thức mẫu hệ) hiện nay không còn nữa, thay vào đó là nghi thức phụ hệ (trai hỏi vợ). Người M’Nông nói chung có nền văn hoá nghệ thuật rất đa dạng và đậm đà bản sắc. Kho tàng truyện cổ, tục ngữ, dân ca và đặc biệt là tập quán kể chuyện sử thi của người M’Nông tiềm ẩn nhiều giá trị văn hoá quý báu. Nhạc cụ của người M’Nông với các bộ cồng chiêng, kèn bầu, kèn sừng trâu, kèn môi, đàn độc huyền, đặc biệt đàn đá mang âm hưởng của núi rừng Tây Nguyên vẫn được lưu truyền đến ngày nay. Với những giá trị văn hoá riêng biệt, người M’Nông đã và đang góp phần chung tay cùng cộng đồng 54 dân tộc anh em xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa./.

Tô Tuấn