Cây Nêu - Linh vật giao tiếp giữ con người với thần linh

Cập nhật lúc: 14:03 02/04/2020

     Cây nêu là linh vật chúng ta thường thấy tại những khu vực sinh hoạt cộng đồng, gian khách của Nhà Dài ... Cây nêu có thì ở ngoài trời, có khi ở trong nhà, nhưng luôn ở vị trí trung tâm và trang trọng nhất. 
Gỗ làm cây nêu thường dùng các loại cây gỗ thẳng, không có dây tầm gửi bám quan với quan niệm không mang tà ma về làng. Chất gỗ sử dụng là gỗ mềm để dễ đục đẽo các hoạt tiết. 
     Thông thường ở mỗi không gian khác nhau và nghi lễ khác nhau, người ta sẽ tạo hình dáng cây nêu khác nhau. Nếu ngoài trời, cây nêu sẽ gồm một trụ giữa vững chắc và bốn phía có bốn nhánh nhỏ, treo những dải mây đan. Trong nhà, cây nêu gồm một trụ giữa, phần thân trên có biểu tượng con thuyền đi về bốn hướng. Mỗi dân tộc khác nhau những hoạ tiết và vật treo trên cây nêu khác nhau, nhưng đều sẽ là những biểu tượng tiêu biểu cho đời sống tâm linh của họ. 
     Cây nêu dùng để cột ché rượu trong các lễ cúng, cây nêu đã cô đọng những nét văn hoá của người Tây nguyên, phía trên cùng là biểu trưng búp măng hướng tâm linh con người đến với thần linh. Tiếp đến là những chiếc vòng cầu hôn nói lên sự sinh sôi nảy nở của nòi giống. Tiếp đến là con chim G'rưh gọi mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà, khi có mùa bội thu có thóc lúa nhiều người ta làm nhiều ché rượu cần để sử dụng trong các lễ hội và khi có khách quý đến nhà. Cái nồi đồng tượng trưng cho sự mong muốn lúc nào cũng có nồi đầy cơm ấm no sung túc. Biểu tượng con thuyền toả đi bốn hướng gợi nhớ tổ tiên từ miền biển, lên thuyền vượt đại dương đến vùng đất này. Cuối cùng là biểu tưởng đường cong của người phụ nữ với những hoa văn trên váy áo. 
     Các chàng trai hầu hết đều biết đục đẽo cây nêu. Mỗi khi kết thúc mùa gặt, chuẩn bị cho những lễ cúng mừng lúa mới hay cúng sức khoẻ, các chàng trai lại vào rừng tìm cây, về tập trung lại cùng nhau dựng cây nêu mới, không khí lại rộn ràng chuẩn bị cho mùa ăn năm uống tháng.