Làng đảo Keng Apa - ngôi nhà đầu tiên của địa danh Bản Đôn

Cập nhật lúc: 00:22 01/04/2020

   

   

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

    Dòng sông Sêrêpốk huyền thoại là hợp lưu của hai con sông Krông Ana (sông vợ) và sông Krông Nô (sông chồng), khi chảy đến địa phận xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, dòng sông vươn mình qua ghềnh đá tuyệt đẹp, chia thành bảy nhánh nước ôm lấy những ốc đảo màu mỡ rồi lại hợp lại trôi mình về Biển Hồ Campuchia rộng lớn. Và nơi đây cũng chính là nơi Vua săn voi Y’Thu Knul - Khunsanốp chọn làm nơi an cư lạc nghiệp tạo nên vùng đất Bản Đôn rạng danh một thời.

     Ban đầu, nơi đây thuộc lãnh thổ của Nữ tù trưởng Ya Wăm, nhưng vì đất đai qua rộng lớn bà không thể đánh dấu hết, nên khi đến nơi đây, Y Thu Knul ngỡ là đát chưa chủ, ông đã lập buôn làng và đưa người dân đến đây sinh sống. Trong một lần đi thăm đất, thấy có buôn làng mới trên lãnh thổ của mình, Ya Wăm tìm đến gặp tù trưởng Y Thu Knul. Ấn tượng với ông là một người có khí chất thiên tướng, bà đã giao tặng vùng đất Bản Đôn cho ông cai quản. Buôn làng ngày càng lớn mạnh và mở rộng ra, kéo dài từ khu vực thác Bảy Nhánh kéo dài đến tận bến Tha Luống, xã Krông Na hiện nay. 

     Thuở sinh thời, Ông Y’Thu Knul đã rất sáng suốt khi chọn những ốc đảo giữa dòng sông làm nơi sinh sống cho bà con buôn làng mình. Những ốc đảo quanh năm được phù sa bồi đắp nên trồng cây gì lên cây nấy. Sáng sáng, những chàng trai đem lao đi bắt cá, những cô gái thoăn thoắt đôi tay trỉa bắp, trẻ con thì vui chơi quanh vườn, mẹ già lại cặm cụi bên khung cửi...tất cả ai cũng hăng say với công việc của mình. Thuyền bè cột sẵn bên hông nhà, khi bắp lúa đầy thì chất lên thuyền đi đổi lấy chiêng ché, mắm muối.

     Khi buôn làng bị tấn công, những rặng si trên sông Sêrêpốk cũng góp phần là nơi ẩn náu ngăn bước quân thù, bảo vệ buôn làng. Y Thu Knul dùng những dây si và tre nứa, kết thành những nhịp cầu treo nối liền các ốc đảo, khi có kẻ thù tấn công, ông chặt đứt dây si ngăn đường tấn công của kẻ thù. 

     Ngày nay, dù bà con buôn N’Drếch tuy không còn sinh sống trên những ốc đảo, nhưng vẫn dùng nơi đây để canh tác hoa màu, chăn nuôi phục vụ cho cuộc sống hàng ngày và là nơi để tưởng nhớ về một vị tù trưởng lỗi lạc của dân tộc M’Nông.