Nữ tù trưởng Ya Wăm - người phụ nữ quyền lực nhất Tây Nguyên
Cập nhật lúc: 08:11 01/04/2020
Nữ tù trưởng Yă Wam chính là người đầu tiên sở hữu vùng đất Bản Đôn này.
Bà là người phụ nữ ÊĐê rất xinh đẹp, tài giỏi, là niềm tự hào của phụ nữ Tây Nguyên nhưng năm 80. Bà có một biệt tài đặc biệt là có thể giao tiếp với muôn thú, và chính muôn thú là người canh gác đất đai, tấn công kẻ xấu xâm lược chiếm đất của bà. Bà dành rất nhiều thời gian trong cuộc đời lo cúng kính cho các Yang (thần linh). Mỗi khi bà làm lễ cúng, muông thú đều vây quanh bày tỏ lòng thành kính với các Yang. Bà còn là người thông thạo tiếng Ê Đê, tiếng M Nông, tiếng Lào, Campuchia và Thái Lan nên có mối quảng giao thân tình với các nước láng giềng. Bà sinh sống chính tại buôn Yă Wam, thuộc khu vực huyện Cư M’Gar hiện nay, làm chủ một vùng rộng lớn kéo dài từ dãy núi Cư M’gar đến hết dãy núi Yok Đôn, Ea Sup. Vì đất đai quá rộng lớn nên bà không thể cai quản hết mà chỉ lâu lâu mới đi dạo ngắm đất được một lần.
Một lần, bà Yă Wam đi tuần đất, thấy có người lạ sinh sống trên đất của mình, bà tìm gặp đến tù trưởng để nói chuyện. Khi gặp vị tù trưởng Y Thu K’nul, cảm nhận được sự thông thái,tấm lòng nhân hậu và đặc biệt là tài năng săn bắt và thuần dưỡng voi rừng của ông, bà đã cảm mến tặng cho ông vùng đất Bản Đôn để ông cai quản và phát huy nghề truyền thống độc đáo này. Việc mua bán trao đổi voi thời bấy giờ diễn ra rất sầm uất, làm nổi danh Bản Đôn như một thương cảng lớn ngang ngửa với thương cảng Phố Hiến ở Hưng Yên, thương cảng Hội An ở Quảng Nam.
Câu chuyện tình của nữ tù trưởng Ê Đê Yă Wam và chàng dũng sỹ săn voi M’Nông Y Thu K’nul rất nổi tiếng thời bấy giờ và cũng là sợi dây liên kết hai cộng đồng Ê Đê và M’Nông lại gần nhau hơn. Có những giai thoại kể rằng ngày yêu nhau, Yă Wam được Y Thu K’Nul tặng voi, chiêng, ché quý. Y Thu còn ưu ái đưa Yă Wam cùng đi khảo sát tìm chọn đàn voi rừng phù hợp để săn.
Tuy nhiên, đáng tiếc là hai người không có người con chung nào, chỉ còn cháu chắt dòng họ của bà Yă Wam hiện đang sinh sống tại buôn Yă Wam, còn Y Thu K’Nul có lấy 5 người vợ nhưng đều không có con. Về sau, ông truyền nghề lại cho những người cháu bên vợ, nổi bật nhất là Y R’leo K’nul và Y’Prong Eban (AmaKong).
Ngôi mộ của Bà được chôn cất theo phong tục của người Ê đê và làm lễ Pơ Thi (bỏ mả). Ngôi mộ hiện tại được xác định nằm trong khu vực cánh rừng sát buôn Ya Wăm và được cánh rừng xanh bao bọc kín đáo.